Tổng Quan Về Việc Làm Ngành Đo Đạc, Trắc Địa Bản Đồ

01/06/2021

Tổng Quan Về Việc Làm Ngành Đo Đạc, Trắc Địa Bản Đồ

Chỉ mới ra đời được hơn 200 năm, ngành trắc địa được coi là một trong những ngành nghề mới tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Hiện nay, công tác đo đạc, trắc địa bản đồ đang phát triển nhanh chóng bởi nhu cầu thực tế của thị trường. Tuy nhiên, do không có sự định hướng một cách chính xác, nên nhân sự làm việc trong ngành đang thấp và theo dự kiến của những người có kinh nghiệm, ngành trắc địa dự báo là sẽ thiếu nhân sự trong tương lai gần.

Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quan về ngành trắc địa, cũng như các công việc mà sinh viên ngành trắc địa, đo đạc bản đồ sẽ đảm nhiệm trong tương lai.

1.  Tổng Quan Về Ngành Trắc Địa

Trắc địa hay trắc đạc hay đo đạc là một ngành khoa học về Trái Đất, cụ thể là đo đạc và xử lý số liệu đo đạc địa hình và địa vật nằm trên bề mặt Trái Đất nhằm vẽ lên mặt phẳng giấy hay còn gọi là bản đồ. Trắc địa là đo đạc vị trí tọa độ và độ cao, hình dạng, kích thước, phương hướng của địa hình mặt đất và địa vật nằm trên mặt đất.

Ngành trắc địa được chia thành các chuyên ngành:

- Trắc địa bản đồ (surveying and maping): đo vẽ các loại bản đồ phục vụ cho dân dụng như: công tác địa chính, bản đồ địa hình, quy hoạch xây dựng,...) và mục đích quân sự.

- Trắc địa công trình: khảo sát thiết kế công trình, triển khai bản vẽ thiết kế của công trình ra thực phục vụ thi công và giám sát thi công xây dựng công trình đúng bản vẽ thiết kế, quan trắc chuyển dịch và biến dạng của các công trình và nền móng công trình trong toàn bộ tuổi đời của công trình. Công cụ đo chủ yếu bằng các loại máy đo đạc: máy toàn đạc điện tử, máy thủy bình, máy dọi laser, máy kinh vĩ, máy rtk...

- Trắc địa mỏ

- Trắc địa cao cấp: đo đạc trên quy mô toàn cầu

- Viễn thám: đây là phân ngành trắc địa đo vẽ từ ảnh hàng không (máy bay,...) sau quá trình bay chụp, bằng tàu biển (đo vẽ thềm lục địa, đáy đại dương,...). Công cụ đo có thể bằng: máy ảnh, thiết bị siêu âm, ra đa vô tuyến điện, máy đo sâu hồi âm…

- Trắc địa ảnh: đây là lĩnh vực xử lý kết quả trắc địa qua ảnh

- Định vị vệ tinh: định vị địa vật và đo vẽ địa hình bằng vệ tinh địa tĩnh (là loại viễn thám đặc biệt)

- Hệ thống thông tin địa lý: là chuyên ngành về phần mềm và cơ sở dữ liệu địa lý (công nghệ thông tin)

- Trắc địa biển

2.  Những Công Việc Thực Tế Của Kỹ Sư Ngành Trắc Địa Và Mức Lương Bình Quân

Thực tế tại Việt Nam, có rất nhiều Công ty liên tục tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành trắc địa, đo đạc với những công việc như sau:

2.1 Nhân Sự Phòng Ngoại Nghiệp

Nhân sự phòng ngoại nghiệp là những người làm việc trược tiếp tại thực địa, sử dụng kiến thức đã được giảng dạy tại trường, kết hợp với các công cụ hỗ trợ như: Máy toàn đạc điện tử, máy rtk, máy kinh vĩ, máy thủy bình, máy bay khảo sát, máy đo sâu hồi âm…. để tiến hành đo đạc ngay tại hiện trường với yêu cầu về độ chính xác cao.

Bởi tính chất công việc, nên nhân sự phòng ngoại nghiệp phải làm dưới mọi loại hình thời tiết nắng mưa, di chuyển ở khoảng cách xa với địa hình phức tạp, mang theo những công cụ nặng nề. Bên cạnh đó, nhân sự ngoại nghiệp phải thường xuyên đi xa theo yêu cầu của dự án, ít khi được ở với gia đình trong thời gian dài.

Mức lương bình quân của một kỹ sư trắc địa ngoại nghiệp sẽ là từ 12 đến 18 triệu đồng/tháng.

2.2 Nhân Sự Phòng Nội Nghiệp

Nhân sự phòng nội nghiệp sẽ là những người tiếp nhận những số liệu được đo đạc bởi phòng ngoại nghiệp, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để xử lý số liệu, hình thành bản vẽ, bản đồ theo yêu cầu của dự án.

Bên cạnh đó, phòng nội nghiệp cũng có thể làm các công việc nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đất đai để thực hiện các dịch vụ mà thị trường có nhu cầu cao như cấp giấy phép sử dụng đất, chia diện tích sử dụng đất…

Mức lương trung bình của nhân sự nội nghiệp là 8 – 12 triệu đồng.

2.3 Nhân Sự Phòng Kinh Doanh

Thị trường đo đạc, trắc địa đang phát triển nhanh chóng, nên nhu cầu về các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng trong ngành cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bán những máy móc thiết bị này bởi đây là mặt hàng đặc biệt, yêu cầu cao về kiến thức.

Do đó, các kỹ sư ngành trắc địa cũng có thể tham gia bán thiết bị đo đạc, trắc địa như: Máy toàn đạc, máy thủy bình, máy gps 2 tần số, máy cân bằng laser, phụ kiện trắc địa.

Mức lương của nhân viên kinh doanh sẽ phụ thuộc vào doanh số của người bán.

2.4 Nhân Sự Phòng Hiệu Chỉnh, Sửa Chữa

Bởi phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với sự thâm nhập của bụi, nước và các va đập, nên các thiết bị đo đạc trắc địa cũng dễ bị sai số, hỏng hóc. Nếu có tay nghề, một kỹ sư trắc địa hoàn toàn có thể làm công việc sửa chữa, hiệu chỉnh các loại máy đo đạc.

Mức lương cho nhân sự phòng đo đạc trung bình từ 10 – 20 triệu/tháng

Những thông tin trên tuy chưa thực sự chi tiết, nhưng hy vọng sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về ngành trắc địa, có định hướng nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Viện Nghiên cứu và Quản lý Tây Nguyên
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
Nhập điểm
Khối cán bộ
0949.152.521