Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Phân hiệu đối với công tác Nghiên cứu khoa học

          1. Đánh giá chung

          Đảng bộ Phân hiệu trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa luôn là một khối đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động nhằm thực hiện hoàn thành sứ mệnh “cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội”, đưa Phân hiệu cùng với trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo và NCKH hàng đầu trên cả nước, từng bước khẳng định vị thể ở khu vực và trên thế giới.

          Trong những năm qua, Đảng ủy Phân hiệu đã vượt qua không ít khó khăn và thách thức; luôn bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của Phân hiệu, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã tạo nên phong trào nghiên cứu khoa học rộng khắp trong viên chức, người lao động trong Phân hiệu, tăng mạnh cả số lượng và chất lượng các công trình khoa học.

          Đảng ủy Phân hiệu kiên định thực hiện sứ mệnh và giá trị cốt lõi đã đề ra đó là cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH chất lượng cao cho xã hội. Đảng ủy đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng hàng năm, trung hạn và dài hạn phát triển khoa học và công nghệ của Phân hiệu. Đảng ủy Phân hiệu luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình nghiên cứu khoa học; khơi dậy năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Phân hiệu ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả; hoạt động nghiên cứu khoa học đã phát triển thành một phong trào rộng khắp trong toàn Phân hiệu.

          Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động NCKH của Phân hiệu được minh chứng qua các nhiệm vụ cơ bản sau:

          - Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ NCKH cấp Bộ, Nhà nước: Hoàn thành các công trình cấp Bộ (03đề tài, 01 đề tài cấp tỉnh); thực hiện các Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức theo chương trình dự án của Bộ Nội vụ đã đáp ứng được yêu cầu và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội phục vụ lãnh đạo, điều hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ ngành khác.

          - Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở: Từ năm 2015 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Phân hiệu phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng với trọng tâm là phục vụ công tác đào tạo; tổng kết thực tiễn góp phần phát triển lý luận; xây dựng, hoàn thiện các khung chương trình, nội dung môn học; hoàn thiện hệ thống giáo trình; nghiên cứu lý luận cơ bản. Cụ thể, số lượng đề tài cơ sở đã hoàn thành là trên 200 đề tài; số sách giáo trình xuất bản phục vụ đào tạo là gần 50 đầu sách; số bài báo khoa học tăng mạnh năm sau nhiều hơn năm trước. Chính từ hoạt động NCKH phát triển đã đóng góp đáng kể vào việc xây dựng các chuyên ngành mới; đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, phương pháp NCKH; góp phần tích cực rèn luyện giảng viên có năng lực nghiên cứu khoa học độc lập, tự cường và tự trọng.

          - Lãnh đạo, chỉ đạo công tác NCKH sinh viên: Đây là hoạt động NCKH mới ở Phân hiệu đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Phân hiệu. Đảng ủy đã và đang chỉ đạo sát sao hoạt động NCKH trong sinh viên, tuy nhiên do đặc thù Phân hiệu mới được thành lập (từ 2018 đến nay) do đó kết quả cũng chưa đạt được mong muốn.   

          Trong giai đoạn qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và đúng hướng của Đảng ủy Phân hiệu, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của cán bộ, giảng viên và sinh viên đã có những bước tiến vượt bậc góp phần xây dựng nội dung, chương trình đào tạo; xây dựng các ngành, chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường; biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo phục vụ kịp thời công tác đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, nhiều sản phẩm khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách và điều hành, quản lý.

          2. Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục

          Hoạt động NCKH&CN giai đoạn qua đã đạt được những kết quả đáng trân trọng và khích lệ đối với toàn bộ cán bộ giảng viên và sinh viên Phân hiệu, tuy nhiên cùng với sự phát triển và thay đổi phương thức quản lý trường đại học hiện nay thì hoạt động NCKH&CN của Phân hiệu còn một số hạn chế cần khắc phục giai đoạn tới, cụ thể:

          - Về chất lượng các công trình NCKH:  Nhiều công trình nghiên cứu không có giá trị thực tiễn và tính mới khoa học, tỷ lệ trùng chéo khá lớn và nhiều công trình sau nghiệm thu chỉ xếp vào tủ hoặc thư viện.

          - Việc gắn kết giữa NCKH với đào tạo, với thực tiễn/sản xuất: Những năm qua, ở các trường đại học tại Việt Nam nói chung và Phân hiệu nói riêng hoạt động NCKH chưa gắn kết chặt chẽ với đào tạo, giữa các Viện nghiên cứu tách rời khỏi khối đào tạo; NCKH nặng về lý luận chưa gắn với thực tiễn cuộc sống/sản xuất tại các doanh nghiệp.

          - Về tổng kết đánh giá và khảo sát thực tiễn: Những năm qua công tác tổng kết, đánh giá hoạt động NCKH&CN chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đánh giá thực chất, chất lượng, tìm ra nguyên nhân để có định hướng và giải pháp cho thời gian tiếp theo. Đối với các công trình khoa học xã hội, nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội thì thiếu khảo sát thực tiễn nên giá trị khoa học đóng góp trong chính sách còn khiêm tốn, chính sách khó đi vào đời sống.

          - Về kinh phí: Kinh phí dành cho NCKH của Phân hiệu còn hạn chế, chỉ đủ khuyến khích nhà khoa học thực hiện những công trình nhỏ lẻ, không thể đảm bảo điều kiện thực hiện các công trình lớn, dài hạn, có chất lượng cao, do vậy chưa tạo được động lực thúc đẩy nhân tài khoa học, tập trung trí tuệ cho nghiên cứu sáng tạo.

          3. Nguyên nhân của những hạn chế

          Nguyên nhân khách quan: Nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển; hoạt động NCKH còn yếu, trình độ khoa học công nghệ còn thấp; Thông tin phục vụ cho hoạt động NCKH còn chưa đầy đủ và minh bạch; cơ chế quản lý hoạt động NCKH&CN mang tính bình quân; phân bổ kinh phí và mang nặng “xin, cho”; kinh phí dành cho NCKH và dành cho hoạt động khảo sát thực tiễn, liên kết nghiên cứu hạn chế; nguồn thông tin phục vụ phân tích dự báo phục vụ hoạt động của Phân hiệu rất khó khăn,…

          Nguyên nhân chủ quan: Đây là giai đoạn Phân hiệu tập trung thúc đẩy hoạt động NCKH theo chiều rộng. Quản lý hoạt động NCKH theo cơ chế xét duyệt, phân bổ kinh phí nên khó có thể lựa chọn được công trình có chất lượng; trong đánh giá nghiệm thu đôi khi còn nể nang, vì vậy giá trị các công trình NCKH chưa cao. Kinh phí phân bổ cho đề tài không đủ để thực hiện các cuộc khảo sát thực tế với chất lượng thông tin cao; không tổ chức bộ phận chuyên trách thực hiện phân tích dự báo và cũng chưa đầu tư kinh phí cho hoạt động này.

          4. Đề xuất giải pháp định hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

          - Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong Phân hiệu thực hiện triệt để các Nghị quyết của Đảng ủy Phân hiệu đã đề ra, trong đó có nhiệm vụ tăng cường công tác NCKH&CN theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị thực tế công trình.

          - Chỉ đạo sát sao việc đổi mới hoạt động NCKH không những gắn với đào tạo, mà còn đảm bảo hiệu quả kinh tế, khai thác đa dạng các nguồn thu từ khoa học công nghệ; quan tâm và tăng cường khuyến khích các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cơ bản. Chỉ đạo các đơn vị chức năng có cơ chế xã hội hóa hoạt động NCKH, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác triệt để các nguồn lực tài chính từ xã hội vào hoạt động NCKH các cấp.

          - Chỉ đạo kịp thời đổi mới phương pháp NCKH theo hướng tăng cường khảo sát, tổng kết thực tiễn, áp dụng các phương pháp NCKH định lượng, không nghiên cứu chung chung về lý thuyết; nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn đời sống xã hội/doanh nghiệp; tăng cường xã hội hóa sản phẩm khoa học để nâng cao nguồn thu bằng nhiều hình thức như phát hành ấn phẩm, cung cấp thông tin khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ.

          - Chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng NCKH, hạn chế và tiến tới bãi bỏ cơ chế “xin, cho”, cơ chế “phân bổ” kinh phí bình quân như hiện nay; từng bước thay thế bằng cơ chế tuyển chọn cạnh tranh hơn, chất lượng hơn; tuyển chọn được công trình khoa học thực sự có giá trị thực tiễn, theo đó kinh phí cho một công trình cũng cao hơn nhiều hiện nay.

          - Chỉ đạo triển khai qui định về nghiên cứu khoa học trong cán bộ giảng viên trẻ theo hướng tập trung ưu tiên tài năng trẻ bằng các hình thức thích hợp và bền vững.

Phó Bí thư Đảng Bộ: ThS. Lê Anh Tài

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Viện Nghiên cứu và Quản lý Tây Nguyên
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
Nhập điểm
Khối cán bộ
0949.152.521