HƯỚNG TỚI NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI 05/6/2023: GIẢI PHÁP CHO Ô NHIỄM NHỰA

01/06/2023

Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) và Quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện (Bờ Biển Ngà) đã lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6/2023 là: SOLUTIONS TO PLASTIC POLLUTION - GIẢI PHÁP CHO Ô NHIỄM NHỰA.

 

Ô nhiễm rác thải nhựa là hiểm họa ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, nhằm thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc đã chọn “Beat Plastic Pollution - Đánh bại ô nhiễm nhựa” là khẩu hiệu của ngày môi trường thế giới 05/6/2023.

 

Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng  một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt vi nhựa đi vào chuỗi thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương (nguồn UNEP).

 

Description: E:KE HOACH GIANG DAYKH Giang vien 2022-2023Tu van Tuyen sinh 2023Chat thai nhua 1.jpg

 

Nguồn gốc phát sinh chất thải nhựa

 

Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Do đó nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành ở các cấp độ khác nhau: Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt, theo Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025, Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022 đã quy định tại: “Điều 73. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử tý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”:

 

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

 

2. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.

 

3. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

 

4. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.

 

5. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

 

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái

 

7. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

 

Description: E:KE HOACH GIANG DAYKH Giang vien 2022-2023Tu van Tuyen sinh 2023GP hạn chế nhựa 1 lần-2.jpg

 

 Một số giải pháp giảm rác thải nhựa

 

Việt Nam cùng với 175 quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc lần 2 (UNEA5.2) tại Nairobi (Kenya) đầu tháng 3/2022. Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận này, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2024. Chính phủ đã và đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Viện Nghiên cứu và Quản lý Tây Nguyên
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
Nhập điểm
Khối cán bộ
0949.152.521